Mua bằng C1 ở đâu? Các dịch vụ mua bán chứng chỉ C1 có giống như quảng cáo? Theo dõi bài viết dưới đây của Edulife để hiểu rõ hơn về việc mua bán chứng chỉ C1 nhé!
Nhu cầu mua bằng C1 tiếng Anh
Trong thời buổi hiện nay, chứng chỉ tiếng Anh đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong cuộc sống của nhiều người. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính của hơn 53 quốc gia và được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Nếu bạn muốn đi du học tại các trường Đại học nổi tiếng châu Âu, chứng chỉ tiếng Anh là tấm vé vàng giúp bạn đạt được mong ước. Chứng chỉ C1 cũng sẽ giúp bạn được nhà tuyển dụng để mắt tới và giúp bạn thăng tiến trong công việc.
Để đạt chứng chỉ C1, bạn cần có kiến thức nhất định về tiếng Anh và cần dành nhiều thời gian để luyện thi chứng chỉ. Không phải ai cũng có thời gian để học và đạt được chứng chỉ với điểm số cao, vì vậy nhu cầu mua bằng C1 tiếng Anh ngày càng tăng, và các cơ sở dịch vụ mua bán chứng chỉ cũng xuất hiện ngày một nhiều.
Những quảng cáo như “Tiết kiệm thời gian, tiền bạc – nhận chứng chỉ C1 tiếng anh chỉ trong 2,3 ngày’, “nhận chứng chỉ giống phôi thật 100%”, “khóa học C1 nhận bằng trong vòng 1 tuần’…đánh trúng tâm lý cần bằng nhanh, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dùng.
Để củng cố lòng tin của khách hàng, các đối tượng làm giả còn nhận có người hỗ trợ công tác ở Phòng đào tạo tại các trường để tăng độ tin tưởng, thậm chí cam kết làm luôn hồ sơ gốc. Bạn cần tỉnh táo trước những quảng cáo “ảo”, tránh nhận phải chứng chỉ C1 tiếng Anh tại những cơ sở, trung tâm tiếng Anh giả mạo, không uy tín.
Hậu quả khi mua chứng chỉ tiếng Anh C1
Hệ thống thi cấp chứng chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, thủ tục cấp bằng của các trường được cấp C1 rất nghiêm ngặt. Vì thế việc đối tượng có thể can thiệp vào hình thức thi này là điều vô lý. Bằng C1 mà bạn nhận được chỉ là bằng giả, hoàn toàn không có giá trị sử dụng như cam kết. Với hành vi mua bán bằng tiếng Anh C1, bạn sẽ gặp phải những rủi ro như sau:
Bị xử lý kỷ luật
Theo Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả bị xử lý kỷ luật như sau:
- Đối với cán bộ: Cán bộ bị Tòa án phạt tù (vì hành vi sử dụng bằng giả) mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.
- Đối với công chức, viên chức: Công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức Buộc thôi việc.
- Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).
Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính: Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bản, chứng chỉ.
- Trong đó, người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
- Đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa, mức phạt từ 02 triệu đồng – 08 triệu đồng.
- Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng bằng giả còn bị tịch thu bằng giả đã sử dụng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 341 Bộ luật Hình sư 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 trong trường hợp việc mua bán văn bằng, chứng chỉ đủ yếu tố cấu thành Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định như sau:
- Theo đó, mức phạt đối với người có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
- Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng… thì mức phạt cao nhất là 07 năm tù.
- Ngoài việc bị xử lý với hình phạt chính như trên, người phạm tội có thể bị phạt bổ sung với hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Mất việc làm, mất uy tín
Hiện nay các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh diễn ra một cách nghiêm ngặt. Chính vì thế việc mua chứng chỉ tiếng Anh rất khó qua mắt các nhà quản lý. Nếu việc mua bằng tiếng Anh bị phát hiện thì bạn sẽ dễ bị mất việc và mất uy tín vì hành vi gian dối của mình.
Bị lừa đảo, mất tiền oan
Nhiều người cần tiếng Anh nên đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bạn sẽ phải chuyển khoản, đặt cọc với số tiền tương đối lớn sau đó bạn mới nhận bằng. Nhưng thực chất đó là bằng giả, hoặc là sau khi chuyển khoản thì cò mồi mất hút và bạn chẳng thể nào liên lạc được với họ.
Trình độ tiếng Anh thực tế không có
Trong môi trường việc làm hiện nay, tiếng Anh là kỹ năng cơ bản mà nhân viên cần có để thực hiện tốt các công việc được giao. Khi mua chứng chỉ C1 tiếng Anh, bạn chỉ có tấm bằng thể hiện năng lực “ảo” chứ không thể áp dụng kiến thức tiếng Anh vào công việc thật. Theo thời gian, nếu không đáp ứng được nhu cầu và đảm bảo tiến độ công việc, bạn cũng sẽ sớm bị đào thải, tụt lùi so với các nhân viên khác.
Do đó, thay vì mua chứng chỉ tiếng Anh, hãy nghĩ đến việc đầu tư cho mình trình độ ngoại ngữ thật tốt, chuẩn bị kỹ năng và trình độ để lựa chọn thi tiếng Anh để được cấp bằng thật, tránh tiền mất tật mang.